Bạn có muốn tăng tốc cho laptop và kéo dài tuổi thọ cho pin trong quá trình sử dụng? Hãy thay thế ổ đĩa cứng của laptop với ổ SSD tốc độ cao.
Các ổ SSD (Solid-State Drive) hiện đang được sử dụng khá phổ biến. Do các ổ SSD không có nhiều thành phần chuyển động nên chúng có thể chịu đựng được độ rung xóc hơn so với các ổ cứng chuẩn – làm cho chúng trở nên hoàn hảo cho các laptop. Các ổ SSD cung cấp mức hiệu suất đọc đến khó tin, tuy nhiên hiệu suất ghi có đôi chút khác nhau; các quá trình ghi dữ liệu với dung lượng nhỏ có thể diễn ra khá nhanh, tuy nhiên với những khối dữ liệu lớn thì quá trình có thể diễn ra lâu hơn so với các ổ cứng truyền thống.
Mặc dù vậy, việc nâng cấp lên ổ SSD lại không dễ dàng như việc đi mua một ổ cứng và cắm nó vào máy tính của bạn. Chính vì vậy trong bài này chúng tôi sẽ giới thiệu một số mẹo cho việc chọn ra model thích hợp, cần bảo đảm rằng nó làm việc với thiết lập của bạn, clone ổ cứng cũ một cách cẩn thận và bảo đảm cho quá trình cài đặt được thực hiện tốt.
Cơ bản về ổ cứng SSD
Nhược điểm chính của một SSD nằm ở giá thành của chúng: tính theo GB, các SSD có giá thành đắt hơn rất nhiều so với các ổ cứng chuẩn, các ổ cứng với tiêu chuẩn cũ đã được giảm giá thành một cách rõ rệt trong vài năm gần đây. Có thể dễ dàng tìm một laptop không quá đắt với ổ cứng 160GB, 250GB, hoặc thậm chí 320GB, tuy nhiên một SSD chất lượng cao với dung lượng 256GB sẽ nâng giá cho chiếc laptop của bạn lên hơn 700$. Đó là một cái giá khá cao mà bạn cần phải trả để có được chiếc ổ cứng đời mới này, đặc biệt nếu laptop hiện hành hoặc netbook là một thành phẩm giá thành thấp.
Các SSD có hai kiểu chính: SLC (single-level cell) và MLC (multi-level cell). SLC SSD sẽ lưu một bit dữ liệu trên một cell nhớ flash, còn ổ MLC sẽ lưu hai hoặc nhiều bit dữ liệu trên mỗi cell. Với cấu trúc vật lý đó mà các ổ MLC rẻ hơn đôi chút so với các ổ SLC có cùng dung lượng, vì chúng cần ít thành phần bộ nhớ flash vật lý hơn.
Nhược điểm của các ổ MLC là tốc độ truy cập thấp hơn so với SLC, tuy nhiên so với các ổ đĩa cứng thông thường thì chúng vẫn cho tốc độ nhanh hơn rất nhiều. Bạn có thể thấy ổ SLC trong các trung tâm dữ liệu và các môi trường làm việc lớp máy trạm, nơi chi phí tốn kém hơn sẽ được giảm nhẹ bằng cách tăng năng xuất và khả năng tin cậy.
Ổ SSD được chúng tôi chọn làm ví dụ trong bài là MLC với dung lượng 120GB, tuy nhiên các bạn có thể chọn cho mình kiểu SSD và dung lượng sao cho phù hợp với nhu cầu của mình nhất.
Laptop của bạn đã sẵn sàng?
Trước khi bắt tay vào thực hiện và thay thế các ổ cứng, dù muốn hay không bạn cũng cần xem xét liệu laptop của mình có phù hợp với kiểu SSD. Đây là một số vấn đề cần lưu ý.
- Laptop của bạn có chạy Windows XP? Nếu bạn có một máy xách tay cũ có cài đặt hệ điều hành Windows XP cách đây vài năm, khi đó nâng cấp nên SSD không phải là một ý tưởng tốt. Tuy các ổ SSD có thể làm việc với Windows XP nhưng hệ điều hành này không được tối ưu tốt với loại ổ SSD như Vista, đặc biệt hơn nữa là Windows 7. Windows mới nhất hỗ trợ lệnh TRIM, đây là lệnh giúp để có được hiệu suất SSD tối ưu. Nói chung các bạn không nên thay thế ổ cứng của các laptop đang sử dụng hệ điều hành Windows XP bằng SSD.
- BIOS của laptop có hỗ trợ SSD? BIOS của một số laptop cũ không làm việc đúng cách với SSD. Tuy nhiên không có một nguyên tắc chủ đạo nào để tuân theo trong mối lo ngại đó, vì vậy trước khi mua, bạn hãy thực hiện tìm kiếm trên web về model PC và khả năng tương thích SSD để xem liệu người dùng khác có gặp phải các vấn đề về nâng cấp hay không.
- Laptop của bạn có thể nâng cấp? Một số laptop cũ không cho phép dễ dàng nâng cấp các ổ cứng. Điều này đặc biệt đúng với một số model Macbook và Macbook Pro. Chính vì vậy cần phải bảo đảm rằng việc nâng cấp sẽ không làm mất hiệu lực bảo hành và yêu cầu thực hiện "ca đại phẫu" trên laptop của bạn.
Nếu có bất cứ nghi ngờ gì, cần thực hiện cẩn thận và kiểm tra trên các diễn đàn trực tuyến cũng như các nguồn tài nguyên khác trước khi thực hiện thay thế sang SSD. Công nghệ này vẫn rất mới vì vậy các vấn đề tương thích ngược vẫn chưa được giải quyết một cách hoàn thiện.
Hiện có nhiều công ty cung cấp số các ổ SSD hơn các ổ cứng chuẩn, do đó bạn có thể lựa chọn từ nhiều model để tìm ra SSD nào phù hợp cho mình nhất. Chúng tôi khuyên bạn nên chọn SSD của nhà sản xuất có khả năng sản xuất ổ flash, hoặc có nhóm kỹ sư riêng cho các thành phần của ổ cứng.
Trong phần dưới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu cho các bạn cách nâng cấp một netbook hiện có ổ cứng 250GB sang SSD OCZ Apex 120GB. Loại ổ OCZ có dung lượng tầm trung, MLC SSD thiếu hỗ trợ TRIM, tuy nhiên tốc độ của nó trong quá trình thử nghiệm cho thấy khá tốt.
Chuẩn bị cho một SSD
Sau khi xác định được laptop có khả năng quản lý SSD, bạn cần thực hiện theo một số bước chuẩn bị để thực hiện việc chuyển đổi này.
- Nếu laptop của bạn chạy Windows Vista, hãy cập nhật lên Service Pack 1. Phiên bản này sẽ cải thiện hiệu suất của Vista khi chạy trên SSD. Lưu ý rằng Windows 7 vẫn là hệ điều hành tốt nhất cho các SSD, tuy nhiên khả năng làm việc với Vista cũng khá tốt.
- Nâng cấp BIOS hệ thống. Đây là một nâng cấp rất quan trọng nếu cài đặt Windows của bạn đang chạy trong chế độ Advanced Host Controller Interface (AHCI). Chế độ AHCI sẽ thực thi hàng đợi lệnh NCQ, đây là phương pháp cho hiệu quả theo cách chuyển đầu đọc đến các vị trí của đĩa trong các ổ cứng chuẩn. Nhưng do SSD không có đĩa và cũng không có đầu đọc, nên NCQ có thể ảnh hưởng bất lợi đến vấn đề hiệu suất trên SSD. Mặc dù vậy driver và sự hỗ trợ BIOS AHCI mới đã phần nào làm giảm nhẹ sự ảnh hưởng này.
- Nếu hệ thống của bạn đang chạy trong chế độ AHCI, hãy thay đổi chế độ truy cập ổ cứng trong BIOS thành IDE. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được thay đổi này, đôi khi bạn có thể nhận được hậu quả một màn hình xanh nếu Windows không được thiết lập để khởi động từ chế độ IDE chuẩn. Nếu điều chỉnh này làm việc, hãy đặt hệ thống của bạn ở chế độ IDE.
- Kiểm tra layout ổ cứng. Bạn có thể thực hiện bằng cách kích Start, chọn Run, đánh vào lệnh diskmgmt.msc để xuất hiện panel quản lý đĩa. Hầu hết các laptop đang chạy Windows Vista hoặc Windows 7 sẽ có một partition phụ, vô hình có chứa các thông tin khôi phục hệ thống; partition này thường được dùng để thay thế cho một CD hoặc DVD khôi phục. Các hệ thống Windows 7 cũng có partition System Reserved, đây là partition có chứa các thông tin khởi động cho Windows và một số dữ liệu khác nếu sử dụng cơ chế mã hóa BitLocker của Windows 7 Ultimate. Các thành phần này chỉ chiếm dung lượng 100MB, không tiêu tốn nhiều không gian. Tuy nhiên vấn đề ở đây là bạn cần để các partition System Reserved và partition khôi phục bị ẩn ở kích thước chính xác của chúng – bằng không, laptop có thể không khởi động đúng cách.
- Backup dữ liệu! Có hai kiểu người dùng gặp phải vấn đề với dữ liệu máy tính: người có dữ liệu bị mất và người sẽ mất dữ liệu. Quá trình nâng cấp này sẽ an toàn, tuy nhiên bất cứ khi nào bạn thực hiện một thay đổi về vấn đề lưu trữ, tốt nhất hãy thực hiện backup hệ thống của bạn trước.
- Kiểm tra dung lượng ổ cứng. Bạn có thể đang chuyển từ một ổ cứng dung lượng cao sang một ổ cứng SSD có dung lượng thấp. Nếu ổ hiện đang sử dụng có lượng dữ liệu được lưu trữ vượt quá những gì mà ổ SSD có thể cung cấp, khi đó bạn cần phải phóng thích đi một số dữ liệu của mình. Backup các file vào một ổ đĩa ngoài hoặc burn chúng vào CD hoặc DVD nếu bạn cần các thông tin đó.
Cài đặt SSD, từng bước
Với bài viết này, chúng tôi đã nâng cấp một hệ thống Windows 7 gần đây, một laptop Acer Ferrari One ultraportable. Mặc dù được gán vào hạng laptop loại này nhưng Ferrari One chỉ hơn một netbook không đáng kể về mặt hiệu suất. Với màn hình 11 inch, kích thước và trọng lượng nhẹ làm cho nó dễ dàng trong việc lưu động.
Do đây là một laptop có thể xách tay, nên nó có thể có nhiều ưu ái hơn một chút so với các laptop cồng kềnh cùng loại, vì vậy chúng tôi đã quyết định thay thế ổ cứng Toshiba với dung lượng 250GB của nó bằng ổ SSD OCZ Apex có dung lượng 120GB.
Việc thay thế ổ cứng của một laptop có nghĩa cần phải bóc tác dữ liệu ra khỏi ổ cứng cũ và chuyển nó vào ổ cứng mới. Với công việc này, bạn có một vài sự lựa chọn.
- Sử dụng một ổ cứng ngoài với giao diện kết nối USB. Kết nối ổ cứng ngoài này với máy tính của bạn và thực hiện clone ổ cứng cũ vào ổ cứng mới thông qua USB. (chúng tôi sẽ giới thiệu phần mềm để thực hiện công việc đó sau). Sau khi cài đặt ổ cứng mới vào laptop, bạn có thể lấy ổ cứng cũ và lắp nó vào qua đường USB, cách này cho phép bạn sử dụng ổ cứng cũ để backup hoặc dưới danh nghĩa ổ phụ.
- Sử dụng một ổ thứ ba, tạo một copy image chính xác cho ổ đĩa cũ và copy nó với tư cách file dữ liệu vào ổ ngoài. Lắp đặt ổ mới và sau đó thực hiện quá trình ngược lại, copy file image từ ổ ngoài sang ổ mới.
- Sử dụng ổ ngoài để clone đĩa (như Thermaltake BlackX hiển thị ở hình bên trên), sau khi quá trình clone hoàn tất, thay thế trong ổ cứng mới.
Cài đặt Windows
Bổ sung thêm những vấn đề cần phải xem xét với phần cứng, bạn cần quan tâm đến phần mềm gì sẽ trợ giúp cho quá trình chuyển đổi được dễ dàng.
Có thể đơn giản bằng cách cài đặt Windows lên một ổ cứng mới, sau đó copy vào nó tất cả dữ liệu mà bạn đã backup trước. (Chỉ thực hiện backup dữ liệu của bạn). Phương pháp này cho cảm giác như thể đang nâng cấp từ Windows Vista lên Windows 7.
Cần lưu ý rằng các laptop mới gần đây ít có driver và CD phụ kiện đi kèm, chúng thường có driver ẩn trong partition khôi phục. Tuy nhiên partition khôi phục không hữu dụng trong việc bạn muốn thay đổi hệ điều hành.
Vì vậy bạn không chỉ cần đến dữ liệu mà còn cần đến cả diver mới. Mặc dù Windows 7 cung cấp một số driver riêng nó cho phần cứng cũ, nhưng chắc chắn bạn sẽ có một số phần mềm trên laptop mà chúng đòi hỏi driver mới. Nếu quyết định thực hiện xóa toàn bộ cài đặt Windows trên ổ cứng, bạn cần bảo đảm download được đủ tất cả các driver – đặc biệt là các driver mạng! Nếu kế hoạch của bạn là nâng cấp hệ điều hành và sau đó download phần còn lại của driver, cần phải chắc chắn rằng phần cứng mạng của mình – dù chạy dây hay không dây – hoạt động.
Nếu sử dụng phương pháp này, hãy sử dụng công cụ di trú để chuyển toàn bộ dữ liệu và ứng dụng. Bạn có thể sử dụng công cụ Windows Easy Transfer của chính Windows, hoặc có thêm xem xét các công cụ của các hãng thứ ba như Laplink PC Mover.
Phần mềm clone ổ cứng
Nếu không muốn thay đổi hệ điều hành, cách đơn giản nhất để nâng cấp ổ cứng cho laptop của bạn là sử dụng công cụ clone ổ cứng. Đó chính là cách mà chúng tôi đã thực hiện để thay thế cho máy tính thí nghiệm trong bài.
Các phần mềm có thể tạo copy bit-bit cho các partition của ổ đĩa đã xuất hiện một vài năm trở lại đây. Các tiện ích chẳng hạn như Norton Ghost, Acronis True Image, và thậm chí cả tiện ích miễn phí Drive Image XML là các tiện ích rất hữu dụng cho việc tạo backup cũng như cho việc chuyển ổ cứng.
Với ví dụ ở trên, chúng tôi đã sử dụng Acronis True Image Home 2010, tiện ích có giá 50$ và sử dụng phiên bản chuyên nghiệp của True Image cho việc clone ổ cứng.
Bạn có thể sử dụng công cụ “drive-clone” theo một trong hai cách. Phương pháp đầu tiên là tạo một CD khởi động, sau đó là khởi động từ CD đó và chạy phần mềm để copy ổ cứng. Phương pháp thứ hai là cài đặt ứng dụng trong Windows, sau đó clone ổ cứng bằng cách chạy phần mềm bên trong Windows. Chúng tôi đã sử dụng phương pháp sau do phương pháp này không yêu cầu gắn thêm ổ quang vào laptop.
Trước khi bắt đầu clone, lắp Apex SSD vào dock chứa ổ cứng Thermaltake, sau đó cắm dây nguồn của dock vào tường. Trước khi khởi động máy tính, cắm cáp USB từ dock của ổ cứng vào một trong số các cổng USB trên laptop. Sau đó bật (turn on) mọi thứ và đợi cho đến khi USB được nhận diện, sau đó chạy True Image.
Quan sát layout của ổ cứng (trong màn hình ở trên), chúng tôi biết được rằng cần phải giữ partition khôi phục ở kích thước 12GB và partition System Reserved là 102MB. Do partition chính là 220.78GB, vì vậy chúng ta cần phải co lại. May mắn, laptop thử nghiệm là một hệ thống mới, vì vậy chúng tôi chỉ có 22GB dữ liệu thực và các ứng dụng trên ổ cứng, điều đó có nghĩa rằng sẽ không phải xóa bớt dữ liệu.
Chúng tôi đã cài đặt True Image Home 2010 trên laptop thử nghiệm, sau đó chạy ứng dụng và chọn 'Clone Disk'.
Khi xuất hiện lựa chọn clone cho ổ cứng tự động hoặc thủ công, hãy chọn phương pháp thủ công với lý do muốn quản lý cách ba partition sẽ được clone như thế nào.
Sau đó chúng ta chọn ổ nguồn, đó là ổ Toshiba, với dung lượng được liệt kê 232.9GB. Bạn có thể thấy layout được biểu đồ hóa ở phía dưới màn hình. Do chúng ta chỉ kết nối hai ổ cứng nên OCZ Apex sẽ trở thành ổ mục tiêu (đích).
Lưu ý quan trọng: Cần phải chọn ra đúng ổ cứng mục tiêu. Đây là phần quan trọng nhất trong toàn bộ quá trình. Nếu chọn sau, bạn sẽ gặp phải rủi ra trong việc copy cài đặt hệ thống, mất hệ điều hành và tất cả dữ liệu!
Trong bước tiếp theo, chọn phương pháp chuyển. Do chúng ta muốn giữ ở cùng một kích thước partition, nên hãy chọn 'As is'. Với True Image Home 2010, lựa chọn này là khá thông minh: nó sẽ tạo các bản sao chính sác các partition nhỏ, gồm có kích thước của chúng, nhưng nếu biết rằng partition chính sẽ nhỏ hơn và nó đặt lại kích thước sao cho tính hợp nhất. Trong các phiên bản True Image trước đây, bạn cần phải tự chọn select 'Manual' và kiểu trong kích thước partition.
Sau đó kích 'Next' – lúc này True Image sẽ thực hiện hành động kiểm tra về tính toàn vẹn của ổ cứng, khởi động lại hệ thống và thực hiện quá trình clone trong chế độ DOS.
Nếu muốn, khi thực hiện hành động clone, bạn có thể xem quá trình truyền tải đang diễn ra.
Thay thế ổ cứng
Khi quá trình clone kết thúc, lúc này chúng ta hãy thực hiện công việc thay thế ổ cứng về phương diện vật lý. Với các laptop khác nhau, cách thực hiện tháo và lắp đặt ổ cứng sẽ khác nhau. Máy tính Acer mà chúng tôi sử dụng có ổ cứng nằm bên dưới panel dễ dàng tháo rời, có thể truy cập qua việc tháo một vài ốc vít nhỏ.
Bạn cần phải kiểm tra laptop của mình một cách tỉ mỉ và thực hiện việc tháo và lắp đặt ổ cứng mới một cách thận trọng.
Sau khi lắp đặt xong SSD, chúng ta khởi chạy laptop và đợi. Laptop thử nghiệm trong bài có hệ điều hành Windows 7 Home Premium, và kết quả khởi động khá tốt đẹp.
0 comments:
Post a Comment